Trang chủ Góc phụ huynh

Nhận biết và chăm sóc trẻ bị Chân – Tay – Miệng (CTM)

22/06/2018 266
Bệnh CTM là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do nhóm vi rút đường ruột gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi.

Bệnh CTM là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do nhóm vi rút đường ruột gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi.

Bệnh chân tay miệng là gì?

Bệnh CTM là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do nhóm vi rút đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp đó là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh CTM gặp rải rác quanh năm, nhưng có xu hướng tăng cao vào thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 12. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi.

Bệnh CTM có phải cũng là bệnh lở mồm long móng ở súc vật không?

Không đúng. Bệnh CTM thường bị nhầm với bệnh lở mồm long móng ở súc vật. mặc dù có tên tương tự, nhưng hai bệnh này hoàn toàn không có liên quan và do các loại vi rút khác nhau gây nên. Con người không bị bệnh lở mồm long móng. Ngược lại, súc vật cũng không bị bệnh chân tay miệng.

Phát hiện bệnh CTM như thế nào?

Bệnh CTM có thể khởi đầu bằng sốt, chán ăn, mệt mỏi, và thường có đau họng. một hai ngày sau bắt đầu xuất hiện các nốt đỏ (ở lợi, lưỡi và mặt trong má), sau đó thành bọng nước, rồi bị loét. Tổn thương này gây đau rát miệng, hậu quả trẻ sợ ăn uống, chảy dãi. Ban ở da khởi đầu bằng các nốt đỏ phẳng hoặc gồ lên khói mặt da, rồi thành các phỏng nước, không ngứa, tồn tại khoảng 7 ngày, sau đó để lại vết thâm, hiếm khi loét hay bội nhiễm. tổn thương da thường thấy ở gan bàn chân, bàn tay, đầu gối và mông. Đôi khi bệnh CTM ở trẻ em có thể chỉ thấy ban ở da hoặc loét miệng đơn thuần.

Nguyên nhân gây bệnh CTM là gì?

Bệnh CTM do nhóm vi rút đường tiêu hóa gây nên. Nhóm vi rút này bao gồm Poliovirus, Coxsackie viruses, Echovirus và Enterovirus. Trong đó tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie viruses (A16) và Enterovirus (EV71).

Bệnh CTM nguy hiểm như thế nào?

Nói chung bệnh CTM do Coxsackie viruses (A16) thường diễn biến ở mức độ vừa và nhẹ, tự khỏi trong 7 đến 10 ngày. Đôi khi bệnh có thể kéo dài nhưng biến chứng nặng rất hiếm gặp, không gây tử vong hoặc di chứng về sau. Loét miệng trầm trọng có thể làm cho trẻ sợ ăn uống, hậu quả trẻ mệt lả, đái ít (do mất nước, hạ đường huyết) phải vào viện để truyền dịch.

Bệnh CTM do Enterovirus (EV71) diễn biến phức tạp hơn, có thể gây biến chứng nặng dẫn đến di chứng thần kinh khi ra viện, thậm chí dẫn đến tử vong. Hay gặp nhất là các biến chứng thần kinh (viêm màng não, viêm não, liệt…). Biến chứng tim mạch, hô hấp ít gặp hơn (như viêm cơ tim, suy tim, trụy mạch, viêm phổi, phù phổi cấp).

Bệnh CTM lây truyền như thế nào?

Bệnh chân tay miệng lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ mũi họng, nước bọt hoặc dịch từ nốt phỏng của người bị bệnh. Thời gian lây bệnh cao nhất là trong tuần đầu kể từ khi có triệu chứng đầu tiên. Sau khi khỏi bệnh, Vi rút gây bệnh CTM có thể còn tồn tại nhiều tuần trong cơ thể trẻ bị bệnh. Điều này cảnh báo chúng ta rằng người bệnh vẫn có thể lây bệnh cho chúng ta măc dù họ đã khỏe. Thêm nữa, cũng cần phải cảnh giác vì có những trẻ bị nhiễm vi rút mà không có biểu hiện triệu chứng của bệnh, nhưng vẫn đào thải vi rút ra ngoài, có thể lây bệnh cho các trẻ liên quan.

Trẻ có biểu hiện bệnh bao lâu sau khi bị nhiễm vi rút gây bệnh?

Nói chung, thời gian từ khi bị nhiễm vi rút cho đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên (giai đoạn ủ bệnh) là 3 đến 7 ngày. Triệu chứng đầu tiên có thể sốt; đau họng, hoặc mệt mỏi sợ ăn.

Nhóm Trẻ nào dễ bị nhiễm vi rút, hay mắc bệnh?

Tất cả những trẻ chưa bị nhiễm vi rút thuộc nhóm gây bệnh CTM đều có nguy cơ bị nhiễm, tuy nhiên không phải tất cả trẻ bị nhiễm vi rút đều biểu hiện bệnh. Bệnh CTM chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, nhưng cũng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Trẻ nhỏ dễ bị mắc bệnh vì chúng chưa có miễn dịch đặc hiệu đối với nhóm vi rut này.

Chẩn đoán bệnh chân tay miệng như thế nào?

Chẩn đoán ca lâm sàng dựa vào yếu tố dịch tễ học và các triệu chứng lâm sàng như: phỏng nước điển hình ở miệng, lòng bàn chân, lòng bàn tay, gối, mông, kèm sốt hoặc không. Hiện nay tại bệnh viện việt pháp Hà nội và một số nơi khác có tiến hành xét nghiệm máu để chẩn đoán EV71, cho kết quả nhanh (sau 2 giờ), thời gian lấy máu vào ngày thứ 3 và 4 của bệnh. Ngoài ra, chúng ta có thể lấy dịch họng, phân của bệnh nhân để phân lập vi rút. Tuy nhiên, các xét nghiệm này cần 2 đến 4 tuần mới có kết quả, cho nên với mục đích điều trị bệnh, các bác sĩ thường ít khi chỉ định làm các xét nghiệm này.

Điều trị và chăm sóc trẻ bị bệnh CTM như thế nào?

Bệnh chân tay miệng hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. chỉ điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Hạ sốt và giảm đau bằng Paracetamon (chú ý: không dùng Aspirin cho trẻ em). Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ theo lứa tuổi và bù dịch đầy đủ đề phòng mất nước, hạ đường huyết. trẻ bú mẹ cần tăng cường ăn sữa mẹ nhiều hơn.

Với trẻ lớn, có thể phải tránh các thức ăn làm trẻ đau rát miệng hơn như: thức ăn có chất chua (nước cam, chanh; hoa quả ép…); thức ăn nóng, đặc. nên cho trẻ uống nhiều hơn các thức ăn lỏng, được làm mát như cháo loãng, sữa, chè đậu đen… bố mẹ cần theo dõi sát để kịp thời đưa trẻ đến viện điều trị ngay khi có các dấu hiệu nặng.

Tại bệnh viện, tùy mức độ bệnh, các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp nhằm hạn chế các biến chứng nặng, đe dọa tính mạng.

Khi nào cần phải đưa trẻ đi khám bệnh?

    Cần phải đưa trẻ đi khám bệnh ngay khi bố mẹ nghi ngờ bé bị bệnh chân tay miệng.
    Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh.
    Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.
    Đi viện ngay nếu trẻ có các dấu hiệu sau:
    Giật mình dưới 2 lần trong 30 phút
    Sốt trên 2 ngày, hay sốt trên 39oC, nôn, lừ đừ, khó ngủ, bứt rứt khó chịu, quấy khóc vô cớ
    Đi loạng choạng
    Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh
    Co giật, hôn mê
    Thở nhanh, khó thở

    Cần cho trẻ đi viện nếu bố mẹ không có điều kiện, hoặc không đủ tự tin để có thể theo dõi và chăm sóc trẻ đầy đủ tại nhà.

    Phòng bệnh chân tay miệng như thế nào?

    Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa hợp lý sẽ giảm thiểu nguy cơ bị mắc bệnh, cũng như giảm sự lây lan của bệnh:
    Vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã lót; sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).
    Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Trước tiên bằng xà phòng, nước rồi khử trùng bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.
    Tránh tiếp xúc gần trẻ bị bệnh (ôm ấp, hôn, ăn cùng mâm, cùng bát…).
    Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

 



Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá

Chia sẻ: